Các nhà khoa học Mỹ đã giới thiệu một loại kính áp tròng mới mà về cơ bản là một ống kính zoom gắn trên mắt người. Nó có thể phóng to thu nhỏ cảnh vật bằng cách nhấp nháy và đưa mắt nhìn xung quanh.
Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại trường Đại học California San Diego, họ đã trình bày chi tiết thiết kế mới trong bài báo với tiêu đề "A Biomimetic Soft Lens Controlled by Electrooculographic Signal", đăng trên tạp chí Advanced Functional Materials.
Kính áp tròng này được gắn vào mắt người, sử dụng bộ 5 điện cực đặt xung quanh nhãn cầu, nó sẽ phóng to - thu nhỏ trường nhìn khi người đeo nhấp nháy mắt liên tục 2 lần. Một thiết bị điện kèm theo hỗ trợ các lớp màng polymer mở rộng hoặc co lại để thay đổi độ dày.
Vào năm 2013, các nhà khoa học Châu Âu cũng đã công bố kính áp tròng có thể "zoom" 2,8x bằng cách chớp mắt. Còn kính hiện tại có thêm một bước tiến nữa là phát hiện và phản ứng với chuyển động mắt. Vì vậy, ngoài chớp mắt 2 cái để zoom, có thể điều khiển góc nhìn bằng cách nhìn theo các hướng khác nhau như: lên, xuống, trái và phải.
Công nghệ này vẫn đang còn ở giai đoạn sơ khai và có thể còn lâu mới được sử dụng rộng rãi. Nhưng các nhà khoa học cho biết nó rất có tiềm năng phát triển, có thể được sử dụng cho mọi thứ, từ bộ phận giả cơ thể người cho tới các robot điều khiển từ xa.